Trong hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp phòng vệ thương mại, trợ giá, tự vệ... luôn là một trong những công cụ quan trọng được các quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng nhằm bảo hộ, chống tác động tiêu cực của hàng hóa nước ngoài với hoạt động sản xuất trong nước.
Việc áp dụng các biện pháp này cũng được xem là điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất trong nước tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế này lại không được các doanh nghiệp ngành thép nhìn nhận mà lại xem đó là “phép màu” để trục lợi!
Nghịch lý thời hội nhập
Theo Quyết định 862 của Bộ Công Thương, từ ngày 22-3, Việt Nam sẽ áp dụng mức thuế 23,3% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung và 14,2% đối với thép dài Trung Quốc. Và về mặt nguyên tắc thì sau khi có quyết định trên, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải tập trung tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm mà công ty, doanh nghiệp của mình làm ra. Nhưng thực tế hơn 1 tháng qua đã cho thấy điều hoàn toàn theo chiều ngược lại, chỉ 2 ngày sau khi Quyết định 862 được công bố, giá thép trong nước đã bất ngờ tăng mạnh, từ mức khoảng 10,3-10,7 triệu đồng/tấn lên mức 12,6-13,5 triệu đồng/tấn. Điều này lập tức dấy lên hoài nghi về việc các doanh nghiệp thép đã “té nước theo mưa”, lợi dụng sự bảo hộ của chính sách trong nước để trục lợi bởi yếu tố thiếu hụt nguồn cung hoàn toàn bị loại bỏ khi sản xuất thép vốn đang trong cảnh tồn kho, ế ẩm cao.
Và mới đây, trong công bố mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), những hoài nghi này đã được làm sáng tỏ hoàn toàn. Theo đó, trong tháng 3, các doanh nghiệp ngành thép đã tiêu thụ được 962 ngàn tấn - mức tiêu thụ cao nhất trong lịch sử ngành thép. Trong khi đó, sản lượng thép sản xuất từ tháng 12-2015 đến hết tháng 2-2016 được ghi nhận là 1,7 triệu tấn. Mặc dù nguồn cung vẫn đảm bảo như vậy nhưng giá thép cuối tháng 3 vẫn được VSA ghi nhận tăng tới 30% so với đầu tháng.
Nhìn nhận câu chuyện này, ông Phùng Đình Thông - Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi, doanh nghiệp chuyên đúc thép hợp kim ở Khu công nghiệp An Xá (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) đã nhấn mạnh, đây là dấu hiệu bất thường, khó hiểu. Theo ông Thông thì việc giá thép phản ứng quá “nhạy” như vậy là hoàn toàn không hợp lý bởi tại thời điểm Quyết định 862 được công bố, các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn đang nhập nguyên liệu theo mức thuế suất cũ. Và một điều quan trọng, toàn bộ thép được bán ra trong hầu hết tháng 3 đều được sản xuất từ nguồn nguyên liệu này. Vậy nên không có lý gì mà chỉ sau 2 ngày giá thép đã tăng vọt như vậy.
“Về mặt nguyên tắc thị trường, đây là điều phi lý. Giá thành sản phẩm sẽ chỉ tăng nếu nguyên, phụ liệu đầu vào tăng, làm tăng chi phí sản xuất. Nhưng nếu đầu vào chưa tăng mà giá sản phẩm tăng thì chỉ có thể giải thích là doanh nghiệp sản xuất đã gia tăng phần lợi nhuận trong giá thành sản phẩm” - ông Thông nêu quan điểm.
Không những không nắm bắt được cơ hội để tự tái cấu trúc lại bản thân, theo nhiều chuyên gia trong ngành thép thì việc Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp tự vệ đối với phôi thép còn đặt các doanh nghiệp sản xuất thép vào một cuộc sàng lọc, cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Điều này được đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt chia sẻ rằng: Việc áp thuế này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất thép nhưng đã tự chủ được phôi thép như Tập đoàn Hòa Phát, Thép Việt - Ý, Gang thép Thái Nguyên... Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nó cũng sẽ khiến các doanh nghiệp đang phải nhập khẩu phôi thép chịu thiệt hại khi thuế nhập khẩu tăng.
Dưới một góc nhìn khác, những nghịch lý trên của ngành thép theo TS Nguyễn Minh Phong lại đang là điều kiện để cho các sản phẩm thép nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường trong nước. Bởi việc sử dụng công cụ áp thuế chống bán phá giá là nhằm chống cạnh tranh không lành mạnh theo nguyên tắc thị trường, bảo vệ sản xuất nội địa sẽ mất ý nghĩa, nếu không nói là phản tác dụng khi vừa không thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội, lại vừa làm tăng giá và nhất là làm tăng tiêu thụ hàng ngoại nhập trên thị trường trong nước.
Để thị trường điều tiết
Từ nhiều năm nay, chuyện ngành thép kêu khó chẳng phải chuyện gì mới lạ đối với giới đầu tư, dư luận xã hội. Họ hết kêu về giá điện thì lại kêu về chính sách thuế, rồi thì bị cạnh tranh bởi thép nhập khẩu... Nhưng cũng có một thực tế là dù “ôn nghèo kể khổ” nhiều như vậy nhưng hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép đều có lãi, thậm chí là lãi khủng. Đây tiếp tục là một nghịch lý cần phải được các cơ quan quản lý cũng như chính doanh nghiệp thép nhìn nhận, bởi chúng ta không thể sống mãi trong sự bao bọc của chính sách và chúng ta cũng không thể mãi áp dụng các biện pháp tự vệ, bảo hộ trong nền kinh tế hội nhập được.
Nói như vậy để thấy rằng, diễn biến giá thép trong tháng 3 là một nghịch lý trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Và rõ ràng, với những phân tích như trên thì việc các doanh nghiệp sản xuất thép đang tìm cách trục lợi trên chính sách bảo hộ, xem chính sách tự vệ là phép màu cứu doanh nghiệp mình vượt qua khó khăn lại đang đẩy nhiều doanh nghiệp đi vào cửa tử!
Với thực tế trên, ông Phùng Đình Thông cho rằng, chúng ta đang ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế thì cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp nào có năng lực, có trình độ quản trị, giá thành sản phẩm cạnh tranh thì tồn tại, phát triển. Doanh nghiệp nào năng lực yếu, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh kém thì bị loại bỏ.
“Việc Bộ Công Thương ban hành chính sách thuế tự vệ cho hoạt động sản xuất thép trong nước chỉ mang tính tạm thời, không giải quyết được tận gốc vấn đề. Và vấn đề với ngành thép hiện nay chính là vấn đề quản trị, vấn đề công nghệ, hiệu quả hoạt động. Nếu chừng nào chưa giải quyết được những vấn đề này thì ngành thép còn gặp khó khăn, còn phải chịu sự lép vế trước sự cạnh tranh của các sản phẩm thép nhập ngoại” - ông Thông nói.
Đồng với quan điểm này, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh sản xuất Thép Vinausteel (Thép Việt Úc) Phan Đào Vũ khi chia sẻ với báo chí cho biết, trong cuộc chơi toàn cầu thì “nước lên thuyền lên” và “nước xuống thuyền cũng phải xuống”. Việc sản xuất phôi của các doanh nghiệp có hiệu quả khác nhau nên giá thành sản xuất cũng khác nhau. Khi giá nguyên liệu phôi thép trên thế giới giảm, những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và có lãi thì lợi nhuận sẽ thu hẹp lại. Còn doanh nghiệp kém hiệu quả thì “nước xuống” nhưng thuyền không xuống, dẫn đến mắc cạn và thuế tự vệ là để cho “nước dâng lên” nhằm cứu những doanh nghiệp này. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho những doanh nghiệp hiệu quả và tạo sức ép ngay lập tức đối với các doanh nghiệp khác.
Vậy nên, ông Phan Đào Vũ cũng cho rằng, trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay, khi cái đích của hoạt động thương mại tự do là thuế về 0% thì ngành thép cũng phải tuân thủ các nguyên tắc của sân chơi đó. Và trong điều kiện khó khăn thì doanh nghiệp cần phải có sự điều chỉnh chiến lược sao cho hiệu quả chứ không thể vì kém hiệu quả của một số doanh nghiệp mà cản trở quá trình hội nhập, cản trở doanh nghiệp và người dân hưởng lợi từ hội nhập được.
Nguồn tin: PetroTimes