logo vietsang nho

CÔNG TY TNHH SX TM XNK THÉP VISA

 HOTLINE: 0911665959
 

"THƯƠNG HIỆU THÉP CỦA MỌI CÔNG TRÌNH"

 

Văn phòng : 0272-3647764, 072-3647766
  Fax: 0272-3647765
cccl rieng moi iafcccl rieng moi vicascccl rieng moi aqs Chung chi chat luong Chung chi chat luong                                            Tuyển dụng

CÔNG TY TNHH SX TM XNK THÉP VISA

ĐƯỜNG DÂY NÓNG: 0937892222, 0939503333

Dự án thép

Theo TS Lưu Bích Hồ, thay vì tăng dự án thép, Việt Nam nên chú trọng đến những vật liệu mới thay thế để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Dự báo chưa phù hợp

Sau khi đăng bài viết “Việt Nam tăng dự án thép: Vì sao thế, Bộ Công thương?” phản ánh về dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2035, Đất Việt tiếp tục nhận thêm được ý kiến chia sẻ của TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.

Theo TS Hồ, dự báo mà Bộ Công Thương đưa ra đối với ngành thép trong thời gian 20 năm không phải dễ dàng thực hiện. Đây là mức dự báo tối đa với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%. Để giữ vững điều này trong thời gian dài không phải chuyện đơn giản vì thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động.

“Tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cũng không phải nhiều lắm. Thời gian tới vẫn còn trong giai đoạn vừa phải, khôi phục dần dần, thậm chí có những lúc chững lại.

Trong dự báo ngành thép có một nhân tố quan trọng mà chúng ta không quan tâm lắm, tức là hoàn toàn dùng cơ cấu thép như hiện nay để dự đoán mà không tính tới những yếu tố về áp dụng khoa học công nghệ, nhất là những vật liệu mới để thay thế. Trong thời gian mấy chục năm tới mà vẫn tăng sản lượng thép lên là điều không hợp lý.

Chúng ta phải tính đến khả năng dùng những vật liệu mới nhẹ hơn để thay thế cho thép, không phải trước mắt thì cũng phải trong trung hạn và dài hạn. Chúng ta phải dần dần tiến tới”, TS Hồ nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia chỉ ra, đó là dù các số liệu thống kê hàng năm cho thấy, Việt Nam đang phải nhập khẩu hàng trăm tấn thép từ nước ngoài. Điều này không đồng nghĩa với việc sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Vấn đề chính ở đây là khả năng cạnh tranh về giá cả, mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

“Suy nghĩ trám vào việc nhập khẩu thép hàng năm bằng việc tăng sản lượng sản xuất và dự án thép trong nước tôi cho rằng cũng chưa phù hợp. Không phải do trong nước không sản xuất được thép mà phải nhập khẩu. Chủ yếu do chúng ta không cạnh tranh được với thép Trung Quốc hay Belarus. Thép của các nước giá nhập rẻ quá, thậm chí rẻ hơn nhiều so thép sản xuất tại Việt Nam.

Vì vậy nếu cứ căn cứ vào số liệu nhập khẩu để tính rằng chúng ta còn thiếu thép thì không đúng”, TS Hồ nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đưa ra cảnh báo, công nghiệp nặng từ trước đến nay chưa bao giờ là thế mạnh của Việt Nam. Vì thế nếu chúng ta vẫn tiếp tục triển khai thêm các dự án thép thì khả năng thành công sẽ không nhiều. Trong khi đó nguy cơ ô nhiễm môi trường, rủi ro, thua lỗ lại luôn tiềm ẩn.

“Chúng ta hay nói đến công nghiệp là cơ bản và là nền tảng của nền kinh tế. Nhưng hiện nay phải hiểu như thế nào cho đúng? Khi các nước đang bước vào một thời kỳ mới, đi sâu vào cuộc cách mạng công nghiệp mới thì chúng ta lại chú trọng đầu tư vào công nghiệp nặng. Đó là tính toán sai lầm.

Những ngành công nghiệp nặng chúng ta làm chưa thể có khả năng cạnh tranh được. Thép là một trong những điển hình. Thép khởi đầu từ Thái Nguyên, sự cố môi trường tại Formosa Hà Tĩnh rồi đến các địa phương khác.

Xi măng trước đây chúng ta cũng đã thất bại. Hóa chất, hóa dầu cũng rất bê bối. Tất cả đều là những bài học kinh nghiệm xương máu”, chuyên gia Lưu Bích Hồ dẫn chứng.

Về những ý kiến cho rằng Việt Nam đang trở nên lạc hậu, đi thụt lùi so với các nước khi phát triển các dự án thép, ông Hồ khẳng định một khía cạnh nào đó đồng tình với nhận định trên. Lý giải điều này, ông Hồ khẳng định, điểm yếu nhất của Việt Nam so với các nước đó là khả năng dự báo, quy hoạch có hệ thống các dự án, công trình.

“Chúng ta chưa cập nhật được với thế giới. Cái yếu kém nhất của chúng ta về quy hoạch đó là thiếu một tầm nhìn, dự báo không được chuẩn. Những vấn đề liên quan đến kết cấu hạ tầng, phát triển bền vững thì đáng ra phải được dự đoán thật tốt, tính đến 50-70 năm nhưng chúng ta chỉ tính được 5-7 năm đã lạc hậu rồi. Với ngành thép cũng không phải ngoại lệ. Đáng lẽ chúng ta phải tính theo nhu cầu của thị trường, tín hiệu của thị trường thay vì những quy hoạch trên”, TS Hồ lo lắng.

Xem lại quy hoạch Cà Ná

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến trong bản dự thảo của Bộ Công Thương lấy ý kiến các ngành, đó là quy hoạch dự án Khu liên hợp thép Hoa Sen, chia làm 5 giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2035 với tổng công suất thiết kế lên đến 32 triệu tấn gang, sắt xốp và phôi vuông.

TS Hồ cho biết, bản thân cảm thấy khó hiểu khi một dự án nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đa phần là không đồng tình như Cà Ná vẫn được Bộ Công Thương nhắc đến trong định hướng phát triển đến năm 2035.

“Nhìn quy hoạch tôi thấy có nhắc đến sản xuất gang, sắt xốp, phôi vuông chất lượng cao... Đây là những sản phẩm còn dư thừa và không thật sự cần thiết phải sản xuất thêm.

Thép công nghệ cao là gì cũng không dự báo được chắc chắn. Tất cả những cái đó đều là chung chung. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm được như vậy và đáp ứng nhu cầu trong nước hay không? Tất cả việc dư thừa công suất thép của Trung Quốc đã đủ các loại rồi.

Chúng ta phải tính đến bài toán kinh tế, làm ra có cạnh tranh được không? Do đó việc bổ sung vào quy hoạch lần này cần phải xem lại”, TS Hồ nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh đến vấn đề môi trường, điều kiện nước mặt, điện khi phát triển dự án thép Cà Ná.

“Vùng Ninh Thuận rất khô hạn. Phát triển dự án này thì điện có tự làm được hết không hay lại lấy mạng điện của quốc gia? Những chuyện đó phải luận chứng rõ ràng trong dự án.

Nhiều người cho rằng dự án thép Cà Ná do tư nhân làm nhưng nếu triển khai nhà nước cũng phải giúp rất nhiều chuyện. Nào là hạ tầng, di dời giải phóng mặt bằng, hạ tầng chung bên ngoài, cấp điện, cấp nước...

Họ dùng vốn huy động ở bên ngoài, thì sau này hoạt động không hiệu quả liệu có phá sản được không? Những thông tin đó rất đáng ngại”, TS Hồ nêu vấn đề.

Để giải quyết những vấn đề dư luận còn băn khoăn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng các Bộ có liên quan như: Bộ Kế hoạch – đầu tư, Bộ Công Thương, Tổng Công ty thép cần phải đưa ra luận chứng rõ ràng, tránh những dự báo mang tính chung chung.

“Thép hay hóa dầu thì đương nhiên phải đặt ở vùng ven biển để có những thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu vận chuyển. Tuy nhiên đặt chữ “ưu tiên” làm gì? Chúng ta chỉ nên đặt vấn đề làm như thế nào cho hợp lý. Đặc biệt phải hết sức chú trọng đến vấn đề môi trường.

Formosa Hà Tĩnh đã chứng minh tất cả rồi. Làm ngành công nghiệp thép thì phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Tất cả các nước đều có thiết bị công nghệ đủ để đảm bảo các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên chỉ có điều chúng ta có kiểm tra thật kỹ để đặt được đúng với yêu cầu đó không?

Vì vậy, cho tôi rằng không thể vội vàng tăng dự áp thép mà phải đánh giá toàn diện vấn đề”, TS Hồ khẳng định.

Nguồn tin: Đất việt